Do nhu cầu tưới tiêu đồng ruộng của các huyện vùng tả ngạn sông Lam, vào những thập niên 30 của thế kỷ trước cha ông ta đã làm một việc hết sức táo bạo - ngăn dòng sông Lam, bắt nước sông phải dâng lên cao để chảy vào ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là một công trình thủy lợi hùng vĩ mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng lớn lao.
Công trình này được thiết kế bởi Ông Hoàng Thân xu Pa nu Vông (Lào) lúc đó ông là một kỹ sư Giao thông Công trình học tại Pháp. Và Bản thiết kế này chính là đồ án tốt nghiệp của ông tại Đại học Pa Ri (Pháp). Lễ khánh thành công trình ( vào khoảng 1935 - 1936) được tổ chức rất Long trọng, có vua Bảo Đại về dự.
Công trình “nâng thủy nhập điền” này gồm 3 hạng mục chính đó là đập tràn ngăn sông Lam, đào con sông mới (lấy tên sông Đào) cùng hệ thống kênh mương dẫn nước vào từng cánh đồng và một cái Âu thuyền đáp ứng cho việc giao thông đường thủy của các thuyền bè khi đi qua đập tràn.
- Đập tràn là một khối bê tông khổng lồ nằm vắt ngang dòng sông, kín từ bờ bên này sang bờ bên kia. Hai đầu khối bê tông nằm sâu trong đất liền. mặt dưới khối bê tông nằm sâu dưới đáy sông bảo đảm ngăn nước không cho chảy phía dước cũng như hai bên đập tràn. Nước chỉ có thể chảy tràn trên mặt đập. Mục đích của đập nâng độ cao của mặt nước sông lên để chảy vào sông Đào. Độ chênh lệch mực nước trên đập và dưới đập tùy theo mùa, trung bình khoảng 1,5 - 2 M. Hàng ngày tiếng nước chảy Ồ Ồ, réo rắt ở đây vang động cả một vùng.
- Sông Đào là con sông do nhân dân đào để lấy nước từ sông Lam tưới cho đồng ruộng. Nó kéo dài từ bờ sông Lam chỗ cách đập Ba Ra khoảng 1 km về phía trên, đi qua 2 huyện Đô Lương và Yên Thành. Hai bên bờ sông người ta làm hệ thống kênh mương dẫn nước vào ruộng. hệ thống kênh mương này cứ kéo dài mãi và dẫn nước tưới cho nhiều huyện trong vùng. Cách cửa sông Đào khoảng hơn 1 km có xây dựng một hệ thống van để điều tiết nước vào sông Đào. Trên hệ thống van đó là một cái cầu có tên cầu Mụ Bà.
- Để giải quyết vấn đề giao thông đường thủy cho các thuyền bè đi trên sông Lam qua đập Ba Ra người ta nghĩ ra một cách là xây dựng một cái “Âu thuyền”. Âu thuyền là một con kênh trong đất liền. Hai đầu kênh thông ra sông Lam, một ở phía trên và một ở phía dưới đập. Mỗi đầu kênh có một cái van lớn đóng mở cho nước và thuyền bè vào kênh. Luôn luôn phải có ít nhất một van đóng. Vì nếu cả hai van đều mở thì nước sẽ chảy tự do trong kênh làm cho mực nước trên đập và dưới đập bằng nhau. Hành trình của âu thuyền như sau: Giả sử van phía dưới đang đóng, van phía trên mở ra cho nước vào kênh. Khi mực nước trong kênh bằng ngoài sông thì cho thuyền bè phía trên đập vào kênh. Tiếp đó van phía trên đóng lại. Van phía dưới mở ra cho nước trong kênh chảy ra sông. Khi mực nước trong kênh bằng nước sông thì cho thuyền, bè trong kênh đi ra sông. Tiếp theo là cho thuyền bè phía dưới đập vào kênh. Sau đó đóng van phía dưới, mở van phía trên cho nước sông chảy vào kênh. Khi nước vào đầy kênh thì cho thuyền bè đi ra sông. Kết thúc một hành trình.
Công trình này đã cung cấp nước tưới cho đồng ruộng nhiều huyện như: Đô Lương, Thanh Chương, yên Thành, Nam Đàn vv. Trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, Hệ thống công trình Ba Ra (đập tràn, cầu Ba Ra, Van điều tiết và cầu Mụ Bà) là mục tiêu bắn phá ác liệt của chúng. Ta đã bố trí một trận địa pháo phòng không khá mạnh để bảo vệ công trình này. Nhiều chiến sỹ pháo binh của ta đã hy sinh dũng cảm để bảo vệ an toàn cho công trình. Ba Ra Đô Lương mãi mãi là biểu tượng và niềm tự hào của nhân dân Đô Lương.