Người xưa bảo: “Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”. Vì thế, niềm vui của gia đình và đồng bào, đồng chí khi được mừng sinh nhật lần thứ 100 của vị Đại tướng - từng trải hai cuộc chiến lớn và 35 năm tái thiết đất nước - càng nhân lên gấp bội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hạnh phúc lớn là người sống lâu nhất trong những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và quân đội Việt Nam kể từ thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945 đến nay. Và hạnh phúc lớn nhất của ông là được sự tin yêu và ngưỡng mộ của toàn quân và toàn dân, sự kính trọng của các vị lãnh đạo, nguyên thủ nhiều quốc gia và bạn bè quốc tế.
Với đông đảo nhân dân, ông được mệnh danh là “Đại tướng của nhân dân”, “Đại tướng trong lòng dân”, vì cả cuộc đời mình, cho đến khi được đón sinh nhật lần thứ 100, ông luôn vì nước, vì dân, theo đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch “dĩ công vi thượng” (đặt việc công lên hàng đầu).
Trong cuộc đời dày cống hiến đó, ngoài lĩnh vực quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn dành nhiều tâm sức cho nền khoa học nước nhà, đặc biệt trong thời gian 15 năm từ 1976 đến 1991 - trong cương vị là Phó thủ tướng phụ trách khoa học - giáo dục.
huẩn bị kỷ niệm nghìn năm Thăng Long cần quan tâm hơn nữa việc bảo tồn và phát huy di sản lịch sử - văn hóa.
Chỉ còn ba năm nữa, Thủ đô Hà Nội và cả nước sẽ kỷ niệm trọng thể Nghìn năm Thăng Long. Trong số các thủ đô của gần 200 nước trên thế giới, không có mấy nước mà thủ đô hiện nay lại có bề dày lịch sử văn hoá đến nghìn năm như thế. Đấy là chưa nói đến thời tiền Thăng Long, trước khi Vua Lý Thái Tổ định đô Thăng Long năm 1010, vùng đất Hà Nội đã từng có kinh đô của vương quốc Âu Lạc thời An Dương Vương (thế kỷ 3 – 2 trước Công nguyên), kinh thành Vạn Xuân của Nhà nước độc lập thời Lý Nam Đế (thế kỷ 6).
Theo tư liệu gia đình cung cấp, bài viết dưới đây đã được đăng trên báo Nhân Dân, số 18817, ra ngày 20/02/2007. Nhiều thông tin trong bài viết đã mất tính thời sự, không còn phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại nhưng để đảm bảo tính nguyên gốc của tư liệu, chúng tôi vẫn giữ lại. Bee xin giới thiệu bài viết để độc giả có thêm tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân sắp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Từ thế kỷ 11 Thăng Long liên tục giữ vai trò kinh đô của nước Đại Việt dưới các Vương triều Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng. Thời Tây Sơn và triều Nguyễn, kinh đô chuyển vào Phú Xuân – Huế, nhưng Hà Nội vẫn có Hành cung của Nhà Nguyễn và vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hoá lớn của cả nước. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Hà Nội lại trở về vai trò Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế của đất nước. Chính đặc điểm đó đã tạo nên bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội, tạo nên nền văn hiến lâu đời của đất kinh kỳ, kết tinh những giá trị lịch sử, văn hoá của dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, những truyền thống quý giá đó đã được phát huy cao độ trong Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Vì vậy, lễ kỷ niệm Thăng Long nghìn tuổi là một sự kiện trọng đại của nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân cả nước. Hà Nội cần chuẩn bị thật chu đáo cho lễ kỷ niệm này.
Tôi được biết Chính phủ đã thành lập Uỷ ban Quốc gia kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long và Thành uỷ, UBND Hà Nội đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch khá toàn diện chuẩn bị tiến tới lễ kỷ niệm trọng đại vào năm 2010. Sau đây tôi chỉ phát biểu một vài ý kiến về mặt bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử – văn hoá của Thăng Long – Hà Nội.
Có thể nói Hà Nội chứa đựng một di sản văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm di sản văn hoá vật thể như các thành luỹ, đình đền, chùa miếu trên mặt dất, di tích khảo cổ học trong lòng đất và di sản văn hoá phi vật thể gắn liền với các nghề thủ công cổ truyền, với lối sống và cách ứng xử, nghệ thuật ẩm thực, lễ hội, văn hoá dân gian, các truyền thống, phong cách con người Hà Nội … Di sản này đã bước đầu được sưu tầm và nghiên cứu. Lãnh đạo thành phố cũng đã có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, đã phát động phong trào xây dựng con người Hà Nội thanh lịch… Theo tôi, các giá trị văn hoá giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng Thủ đô vì các giá trị đó gắn liền với con người là động lực nội tại của sự phát triển bền vững, là nền tảng tạo nên bản sắc Hà Nội. Trong thời kỳ đổi mới, Hà Nội đang được mở rộng, đang đi vào quá trình CNH, HĐH nhưng luôn luôn phải giữ được bản sắc của Hà Nội, phải phát triển trong sự hài hoà giữa hiện đại và truyền thống. Vì vậy, trong các chương trình và các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long, cùng với những kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, mở mang giao thông, nâng cao đời sống của nhân dân, tôi mong lãnh đạo thành phố quan tâm nhiều hơn việc bảo tồn di sản văn hoá, giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử – văn hoá.
Tôi thực sự lo lắng khi biết di tích cố đô Cổ Loa đang bị xuống cấp và xâm hại. Tôi càng lo lắng hơn nữa khi thấy khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu đã phát lộ từ năm 2003 mà cho đến nay vẫn chưa có chủ trương bảo tồn toàn bộ, để cho di tích đang bị xuống cấp dần vì sự thay đổi môi trường tồn tại.
Tôi đã trực tiếp đến thăm khu di tích này và cùng trao đổi ý kiến với các nhà khảo cổ học và sử học. Khu di tích với diện tích khai quật 19.000 km2 và lớp lớp địa tầng văn hoá, các di tích, di vật vô cùng phong phú, đa dạng phản chiếu lịch sử từ thời Đại La cho đến thời Thăng Long kéo dài liên tục từ đời Lý, Trần đến Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng rồi thời Hà Nội đời Nguyễn. Tôi tán đồng sự đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, coi đây là một di sản văn hoá vô giá của dân tộc hội đủ tiêu chí của một Di sản văn hoá thế giới.
Từ các nền móng kiến trúc cung đình, các giếng nước cổ, các cống thoát nước … cho đến các đồ gốm sứ tinh xảo, các đồ đất nung trang trí hình rồng, phượng, uyên ương, hoa lá … cho thấy hình ảnh cụ thể của một khu vực Cấm thành xưa cùng những thành tựu lao động sáng tạo của những nghề thủ công cổ truyền, trình độ kiến trúc và tổ chức xây dựng tài giỏi của tổ tiên. Những di vật gốm sứ và tiền đồng có nguồn gốc từ Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Á, chứng tỏ quan hệ giao lưu kinh tế, văn hoá rộng rãi giữa kinh thành nước ta với thế giới bên ngoài. Tôi luôn luôn hình dung trong đầu óc khu di tích như ngôi mộ Tổ, mộ Tổ không phải của một dòng họ, một vương triều, một thời đại mà mộ Tổ của Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, kết tinh lịch sử – văn hoá của cả dân tộc.
Mà thật là may mắn, khu di tích lại dược phát lộ khi Hà Nội và cả nước đang hướng tới lễ kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long. Đã tìm thấy mộ Tổ thì dĩ nhiên con cháu phải lo gìn giữ, tu bổ, tức là phải bảo tồn lâu dài toàn bộ di tích, kể cả phần đã phát lộ và phần còn lưu giữ trong lòng đất mà chưa bị các kiến trúc hiện đại phá huỷ, ít nhất là trong phạm vi Cấm Thành tức trung tâm của Hoàng thành xưa. Khu di tích khảo cổ học đó cùng với các di tích trên mặt đất như nền điện Kính Thiên, Đoan Môn của thành Thăng Long; Cửa Bắc, Cột Cờ của thành Hà Nội và các di tích cách mạng, kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh như Hội trường Ba Đình, trụ sở của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ … cần quy hoạch thành một khu di tích lịch sử – văn hoá mà có người đề nghị gọi là Công viên lịch sử – văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Tôi rất vui mừng được biết ông Tổng Giám đốc UNESCO và nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao giá trị của khu di tích, cho rằng khu di tích Hoàng thành Thăng Long có đủ tiêu chí được công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Tôi cũng biết bảo tồn một khu di tích như vậy, nhất là di tích khảo cổ học không phải dễ dàng, đòi hỏi phải có kinh phí, có chuyên gia, kinh nghiệm … Nhưng trên cơ sở chủ trương bảo tồn toàn bộ và lâu dài, chúng ta tranh thủ sự tư vấn và hỗ trợ của UNESCO và các chuyên gia quốc tế để lập quy hoạch toàn bộ và kế hoạch triển khai từng bước tuỳ theo khả năng của chúng ta, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp quốc tế.
Tôi rất lấy làm tiếc là từ khi phát lộ năm 2003 cho đến nay, khu di tích chỉ mới được lợp mái che để bảo vệ tạm thời và quan hơn bốn năm đang bị xuống cấp dần. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của di tích. Một số chuyên gia quốc tế đã bày tỏ sự lo lắng và cảnh báo chúng ta về nguy cơ này.
(...)
Tôi tha thiết đề nghị lãnh đạo Trung ương và Hà Nội trong quy hoạch cũng như trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, cần coi trọng hơn nữa việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá mà mục tiêu gần nhất là hướng tới kỷ niệm Thăng Long nghìn tuổi.
Lễ kỷ niệm trọng thể đó cần được cử hành giữa một Hà Nội đàng hoàng, to đẹp, văn minh hiện đại mà ở đó, niềm tự hào về truyền thống văn hiến, anh hùng của Thủ đô không chỉ được miêu tả trên các trang sử mà còn cần được hiện diện cùng chúng ta và các thế hệ mai sau với những di tích lịch sử văn hoá và cả di sản văn hoá nói chung được bảo tồn, tôn tạo và phát huy mạnh mẽ, biểu thị sức sống và bản sắc của Thủ đô, chung đúc những giá trị văn hoá hàng nghìn năm của cả dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp