Trường chuyên có thể được coi là môi trường tốt nhất để các học sinh phát huy được khả năng học tập của mình trong lĩnh vực mà mình yêu thích hoặc có năng khiếu.
Đồng thời, đây cũng là nơi tạo ra một lực lượng không nhỏ nhân tài của quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà nó mang lại, những mặt trái của trường chuyên không hề nhỏ:
Đầu tiên, có lẽ ai cũng biết, đó là áp lực học tập từ sự kỳ vọng của gia đình, xã hội và chính bản thân người học sinh.
Có lẽ không cần phải nói nhiều, bởi ai đã mang mác trường chuyên thì có lẽ đều cảm nhận được điều này. Đó là áp lực thi vào trường chuyên, và từ trường chuyên thi vào ĐH.
Những ngày qua, có lẽ ai cũng đau xót trước sự việc học sinh Trịnh Công Sỹ - học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) đã tự tử vì cho rằng mình làm bài thi ĐH không tốt. Nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt.
Tiếp đến, đó là nguy cơ chai sạn cảm xúc vì sự phát triển không cân đối giữa chỉ số IQ và chỉ số EQ của các học sinh trường chuyên.
Cuối tháng 3-2007, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM), đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá chất lượng và hiệu quả giáo dục của các trường THPT chuyên tại TP.HCM”. Qua khảo sát 800 học sinh trường chuyên và lớp chuyên cho thấy: Đa số học sinh trường chuyên có năng lực chuyên môn, có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) cao hơn các bạn cùng tuổi, tự nhận thức cá nhân của mình, biết rõ ưu và nhược điểm chính mình.
Tuy nhiên, học sinh trường chuyên lại chiếm vị trí thấp trong 13 tiêu chí đáng giá EQ (chỉ số cảm xúc) về kỹ năng sống: Chưa biết đánh giá, công nhận giá trị của người khác, chưa biết hợp tác làm việc với người khác. Các em có thể thông cảm với người không bằng mình và không chấp nhận có người hơn mình và chính tư duy này là một trong những cản trở kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm.
Hiệu quả mà trường chuyên mang lại cũng cần phải xem xét, bởi tuy không ít nhân tài được phát triển từ các trường chuyên lớp chọn. Nhưng so với số nhân tài từ các trường lớp bình thường thì chưa hẳn đã nổi trội hơn. Mà các trường chuyên lại hao tốn tiền của đầu tư vào rất nhiều.
Chính phủ vừa ban hành đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường THPT chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Kinh phí dự kiến thực hiện đề án trên 2.300 tỉ đồng.
Vậy theo suy nghĩ của các bạn, nên giữ lại trường chuyên và tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng hiện nay đang làm, hay xóa bỏ hoàn toàn hệ thống trường chuyên và dùng tiền đó đầu tư vào giáo dục chung hay là phát triển trường chuyên theo một hướng khác với hiện nay và cho biết hướng phát triển đó. Và hãy cho lý do nhé
Bài viết có dùng tư liệu từ các báo Tuổi Trẻ online, Pháp luật TP HCM online